Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Tạm dừng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm

Mới đây Bộ GD&ĐT đã quyết định tạm dừng, tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho những người tốt nghiệp đại học muốn trở thành giáo viên.Quyết định trên của Bộ GD&ĐT đồng nghĩa với việc nếu ai không học đúng khối ngành sư phạm thì vĩnh viễn không bao giờ có cơ hội đứng trên bục giảng.

Ngừng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì những sinh viên đang theo học ngành cử nhân sư phạm phải làm gì sau khi ra trường? Hàng nghìn sinh viên học ngành cử nhân loại xuất sắc ở trường sư phạm có nguyện vọng đi dạy biết hi vọng vào đâu? Và ngừng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm sao Bộ giáo dục lại cho phép mở mã ngành cử nhân?
Đó quả thật là những câu hỏi không có lời hồi đáp.
Lí do mà Bộ GD&ĐT đưa ra cho quyết định của mình là hiện nay hơn 30% sinh viên sư phạm xếp loại trung bình, yếu và Bộ làm như vậy là muốn nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng lí do ấy liệu có thỏa đáng và có nâng cao được chất lượng giáo dục đúng như Bộ mong muốn?
Tôi có một cô bạn cùng quê đang theo học ngành Đông Nam Á và học chuyên ngành tiếng Indonesia. Cô bạn của tôi mơ ước trở thành giáo viên dạy tiếng In-đô-nê-xi-a cho những người lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động sang đất nước này. Bố cô bạn của tôi mất vì tai nạn lao động tại Indonesia nên sau cái chết của bố cô ấy muốn giúp những người lao động thông thạo hơn thứ ngôn ngữ này, giúp ích cho công việc của họ. Éo le thay, nếu không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cô bạn tôi mãi mãi chỉ là một giáo viên hợp đồng.
Thử hỏi, trong trường sư phạm lại không có ngành đào tạo giáo viên dạy tiếng Indonesia vậy thì những lĩnh vực mà trường sư phạm không đào tạo chẳng lẽ chúng ta lại bỏ qua luôn và xóa tên những ngành đó? Như thế làm sao đảm bảo được sự phát triển cân đối cho xã hội?
Đó là chưa kể những sinh viên có tài năng thục sự, có nhiệt huyết thực sự với ngành sư phạm chỉ vì không đỗ nên chuyển nguyện vọng 2 để học cử nhân với mong muốn học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để được đi dạy?
Tôi có cô em họ đang học cử nhân Văn học có mơ ước làm giáo viên từ nhỏ, kì nào cũng được học bổng lại xuất sắc do Viện khoa học xã hội trao. Giờ đây khi biết tin Bộ GD&ĐT ngừng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nó hoang mang, chán nản và muốn bỏ học.
Với quyết định này chẳng phải Bộ GD&ĐT đang lãng phí tài năng và làm chảy máu chất xám?
Nếu tính theo chương trình đào tạo thì cử nhân và sư phạm cùng học đủ 135 tín chỉ, có khi sư phạm được giảm bớt số tín chỉ để đầu tư học tâm lí học và giáo dục học. Điều đó có nghĩa là cử nhân học nhiều hơn cả ngành sư phạm.
Trong khi học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm phải học thêm 12 môn trong đó cũng có các chuyên môn như tâm lí giáo dục, giáo dục học, kĩ thuật dạy học...Đó là chưa kể phải trải qua những kì thi hết sức gắt gao và cũng tổ chức đi thực tập tại các trường phổ thông một cách đầy nghiêm túc. Vậy cử nhân đâu thua kém gì sư phạm?
Không thể phủ nhận rằng đầu vào cử nhân thấp hơn sư phạm nhưng không có nghĩa là đầu vào thấp hơn thì đầu ra cũng thấp hơn mà cái quyết định hiệu quả lại là đầu ra. Không ít cử nhân đã tự tin tranh tài với sư phạm trong cuộc thi tuyển dụng công chức và không ít sư phạm đã phải ngã gục. Như vậy, bằng cấp chỉ giống như một cái vé để vào được rạp chiếu phim nhưng vào xong rồi ta làm việc có hiệu quả không là cả một vấn đề.
Tại sao khi thi tuyển công chức ta không tổ chức một cách đầy nghiêm túc để những ai có năng lực tốt hơn sẽ được lựa chọn. Như vậy, những người học trái ngành, không học sư phạm mà muốn thành giáo viên sẽ phải nỗ lực gấp đôi, không nên phân biệt đúng ngành hay trái ngành vì xã hội bây giờ mấy ai đi học mà sau này ra trường làm đúng ngành mình học. Vậy nên chỉ cần đáp ứng được yêu cầu thì không phân biệt cử nhân hay sư phạm cũng vẫn được đi dạy như thế mới công bằng.
Tạo cơ hội và nâng cao sự cạnh tranh không có gì là sai thậm chí còn giúp cho ngành giáo dục bổ xung một đội ngũ giáo viên có năng lực thực sự. Thay vì ngừng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm Bộ GD&ĐT nên quy định yêu cầu cho những đối tượng  có nguyện vọng tốt nghiệp đại học muốn làm giáo viên là có kết quả học tập lạo giỏi hay xuất sắc....Như vậy sẽ công bằng hơn và không biến chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm trở thành “hủ tục” cản bước những con người có nhiệt huyết thực sự với ngành sư phạm.

Theo giadinh.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét