Ông Lê Bá Khánh Trình, người giành giải đặc biệt của IMO vì cách giải độc đáo. Ảnh: NLĐ. |
"Điều thú vị là đoàn dự thi năm đó chỉ có 5 người, nhưng người đứng vị trí thứ 6 khi thi thử để lập đội tuyển là Lê Tuấn Hoa lại là người đầu tiên trong 6 người đó trở thành tiến sĩ khoa học và giáo sư, rồi được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu cao cấp về toán, Viện trưởng Viện Toán học và được bầu là Chủ tịch Hội toán học Việt Nam", GS Nhung nói và khẳng định, dù có được dự thi và có được huy chương IMO hay không, bản thân quá trình tiệm cận IMO cũng đã đem lại những lợi ích to lớn.
Trong 40 năm, có 9 học sinh xuất sắc của Việt Nam đã giành được điểm tuyệt đối của IMO. Đó là Lê Bá Khánh Trình (1979), Lê Tự Quốc Thắng (1982), Đàm Thanh Sơn (1984), Ngô Bảo Châu (1988), Đinh Tiến Cường (1989), Ngô Đắc Tuấn (1995), Đỗ Quốc Anh (1997), Lê Hùng Việt Bảo (2003), Nguyễn Trọng Cảnh (2003).
Sáu học sinh hai lần được huy chương vàng liên tiếp là Ngô Bảo Châu (1988-1989), Đào Hải Long (1994-1995), Ngô Đắc Tuấn (1995-1996), Vũ Ngọc Minh (2001-2002), Lê Hùng Việt Bảo (2003-2004) và Phạm Tuấn Huy (2013-2014). Có 10 thí sinh nữ dự thi thì cả 10 người đều giành huy chương trong đó có 5 huy chương bạc và 5 huy chương đồng. Nguyễn Tiến Dũng là thí sinh nhỏ tuổi nhất khi tham gia IMO. Năm 1985, khi chưa tròn 15 tuổi anh đã giành huy chương vàng với số điểm 35/42.
Có 3 bài toán hay do Việt Nam đề nghị đã được IMO sử dụng, đó là năm 1977 (bài của PGS Phan Đức Chính), năm 1982 (bài của PGS Văn Như Cương) và 1987 (của TS Nguyễn Minh Đức). Gần đây, Việt Nam không gửi đề tham gia.
Tham gia hướng dẫn đoàn học sinh tham dự IMO 5 lần, GS Đoàn Quỳnh tâm sự, Việt Nam tham dự IMO là nguồn động viên rất lớn cho học sinh cả nước đam mê học toán, đặc biệt là những học sinh có năng khiếu. Đội ngũ thầy cô giáo cũng đã nhiệt tình biên soạn những đề toán hay, tham gia tuyển chọn đề, ôn luyện cho học sinh.
"Tất cả các đoàn học sinh dự thi IMO đều đã đạt vị trí xứng đáng, là một đội mạnh, góp phần hình thành những nhà khoa học Việt Nam tài ba, đóng góp to lớn cho toán học đất nước và thế giới", thầy Quỳnh nói. Đó là những nhà khoa học đầu ngành trên thế giới như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn. Cùng với họ còn có nhiều giáo sư, tiến sĩ xuất sắc khác. Nhiều cựu học sinh giỏi cũng rất thành công trong các lĩnh vực quản lý công nghiệp, kinh tế và xã hội.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, Bộ ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tham dự IMO trong suốt 40 năm qua. Đó là những kết quả đáng tự hào trong những thành tựu chung của sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà, cho thấy tiềm năng trí tuệ con người Việt Nam.
"Những thành tích của các thí sinh Việt Nam đạt được tại các Olympic Quốc tế về Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, cùng với những thành công sau này trong các lĩnh vực Khoa học cơ bản của nhiều cựu thí sinh Việt Nam tham dự IMO như các GS Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Ngô Đặc Tuấn… đã nói lên rằng trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có khả năng chinh phục các đỉnh cao khoa học, nếu được quan tâm đầu tư thích đáng", ông Hiển nói.
Thứ trưởng cho hay, trong chiến lược đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo của đất nước trong giai đoạn tới, Bộ sẽ tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chính sách quan trọng để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, phát huy hơn nữa tiềm năng trí tuệ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Hoàng Thuỳ (VNEXPRESS)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét