Chia sẻ với các bạn một câu chuyện khá hay và hài hước về số phức:
Ở một quốc gia nọ công dân của họ rất trọng danh, nếu không muốn nói là háo danh. Họ trọng danh tới mức yêu cầu nhà nước trả tiền lương, hay tiền thưởng, phải thể hiện được cả cái danh của họ. Chẳng hạn họ cho rằng, nếu trong bảng lương nhà nước mà chỉ ghi lương của ông A là 1 triệu, còn lương của ông B là 2 triệu, thì vẫn chưa thỏa đáng, vì mặc dù lương của ông A thấp hơn lương của ông B, nhưng rất có thể danh tiếng, chức danh, hay bằng cấp của ông A cao hơn ông B, thì sao biết?! Rồi trong đời sống xã hội cũng vậy, họ cho rằng nếu nói rằng tài sản 10 tỷ của bà C lớn gấp 10 lần tài sản của bà D, vì tài sản của bà D chỉ trị giá có 1 tỷ, là không thỏa đáng! Bởi nó còn chưa thể hiện ra được cái phần danh dự, ví thể như mặc dù phần danh dự-danh hiệu thi đua của bà D có cao hơn phần danh dự-danh hiệu thi đua của bà C, thì lại không thể hiện ra được, nếu chỉ thông qua trị giá tài sản thông thường?! Tóm lại, phải làm sao cách trả lương, hay định giá tiền cần phải thể hiện được tinh thần “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp.”
Thế là biết bao hội thảo, hội nghị, cuộc họp, người ta tranh luận để đưa ra giải pháp cho vấn đề bức xúc trên! Có ý kiến đề xuất rằng, tuy cùng một mệnh giá, nhưng in thêm dấu hiệu chỉ rõ đồng tiền này là của nông dân, đồng tiền kia là của công nhân, hay giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ… Và còn rất nhiều ý tưởng và giải pháp độc đáo khác cho vấn đề này, nhưng đến khi thực thi thì nhà nước thấy tốn công tốn của quá, nên không sao làm nổi!
Thế rồi người ta tập trung các nhà khoa học vào giải quyết sự bất công, bất cập, trước hết trong việc trả lương cán bộ trong khu vực công. Từ đó sẽ nhân rộng ra cho các vấn đề định giá các giá trị khác sau này. Kết quả một giải pháp hữu hiệu đã được đưa ra, đó là, trả lương tháng cho cán bộ bằng số phức. Chẳng hạn lương của ông A là z = a + bi(Trong toán học người ta gọi i là đơn vị ảo, và nhớ rằng i.i = -1, có người đã từng bảo rằng: “Phưc số như một giống lưỡng cư sống ở giữa chốn có thực và chốn không có thực”), thì khi đó a là lương thực tế thông thường, còn b là lương danh dự, hay lương hão, lương ảo, tức không thực, mà nó chỉ là con số trị giá cho cái danh của ông A mà thôi! Ví dụ trị giá cho chức danh giáo sư với mức lương ảo, danh dự là 1 tỷ, còn lương thật thông thường của ông giáo sư B là 8 triệu, thì lương của ông B trong bảng lương sẽ được ghi thành số phức là 8.000.000 + 1.000.000.000 i.
Với cách trả lương này, người ta chỉ còn việc trị giá các chức danh, danh, danh hiệu, bằng sắc…bằng những con số nữa mà thôi! Tất nhiên cũng rất phức tạp, tốn công của, nhất là cái khoản định giá các loại danh, từ việc phải trưng cầu dân ý đến việc phải tấu trình quốc hội phê duyệt nhiều lần, nhưng cuối cùng thì cũng tạm ổn! Nghe thiên hạ đồn rằng, cái ý tưởng đề xuất tính lương bằng số phức, cũng xuất hiện bất ngờ lắm! Số là do các tay anh-chị trong làng “hổ lốn” tranh luận nảy lửa, đến mức thóa mạ nhau, lời qua tiếng lại, chẳng ai chịu nghe ai, rồi mắng nhau hão huyền. Trong đó lại còn có một số vị cậy mình được trưng mặt ở nhiều nơi, có nhiều kinh nghiệm tranh luận, bằng sắc cao, nhưng lại đưa ra những ý kiến rất cổ hủ-tăm tối, đã thế lại còn không có văn hóa tranh luận, khiến nhiều đồng nghiệp khó chịu, mắng lại là đồ danh hão, không có thực tài. Nhưng chính cái lời mắng nhiếc “đồ danh hão” đó, lại gợi ý cho một ông ít người biết, ngồi trầm tư ở một góc khuất, bật dậy, đề xuất ra phương án tính lương qua số phức, thế đấy! Nghe đâu sau này, một số vị còn tranh phần đề xuất ra phương án tính lương này, đến mệt! Bây giờ xin mọi người xem các ví dụ sau, để thấy được tính thuyết phục của cách tính lương này nhé!
Số phức 20.000.000 + 10i cho ta biết lương của một công nhân kỹ thuật, với mức lương thực tế vẫn như trước đây, là 20.000.000, còn trị số bằng cấp, chức danh của người này là 10. Còn số phức4.000.000 + 100i, chỉ rằng đó là lương của một giảng viên tiến sĩ, với mức lương thật 4.000.000, còn phần ảo 100 chính là chỉ số cho phần danh, phần khoa bảng của chị ta. Như vậy nhìn vào lương số phức, người ta thấy ngay được, mặc dù lương thực tế của anh công nhân kỹ thuật tuy có gấp 5 lần lương thực tế của chị giảng viên tiến sĩ, nhưng phần ảo-phần danh-phần bằng sắc của chị giảng viên này, lại gấp 10 lần phần ảo-phần danh-phần bằng sắc của anh chàng công nhân kỹ thuật kia?! Lương phức thể hiện thật xác đáng cái giá trị của mỗi công dân! Đặc biệt cách tính lương này, còn tạo ra động lực, để nếu một công dân hạn chế việc phát triển phần lương thật, thì có thể nỗ lực vào phần lương ảo, như phải kiếm ra nhiều danh hiệu, bằng cấp chẳng hạn, và những anh vô danh tiểu tốt, thì chỉ còn cách là, ra sức miệt mài làm ra sản phẩm, hoặc giả cũng lại buộc phải lao vào danh hiệu, bằng cấp để tạo ra phần lương ảo to hơn!?
Thật công bằng! Việc trả lương bằng số phức quả là một phát kiến vĩ đại, đã giải quyết được nhiều bức xúc trong xã hội! Hơn thế nữa, nó còn là động lực thúc đẩy sự phấn đấu của các cá nhân một cách đa chiều hơn. Anh P nếu có kém chị Q trong cái khoản làm ra đồng tiền, bát gạo thực, thì anh ta có thể nỗ lực để đoạt được trị số của phần ảo cao hơn hẳn chị Q, mà không bị bế tắc, độc đạo! Và ngược lại, chị vợ có quá thua kém anh chồng về phần lương ảo đóng góp cho gia đình, thì chị có thể trau dồi khả năng thực tế, để tích cóp cho gia đình nhiều tiền hơn hẳn anh chồng, và thế là bình quyền nam-nữ vẫn được thực thi! Như vậy nếu trước đây để đảm bảo ổn định và an sinh xã hội, thì nhà nước phải điều chỉnh đồng lương thực tế-gây áp lực rất lớn lên ngân sách, thì nay có thể chỉ cần điều chỉnh phần lương ảo-phần danh cho cán bộ là ổn, mà điều này lại không ảnh hưởng đến ngân sách, có chăng chỉ tốn tiền giấy mực để sản xuất ra các giấy chứng nhận danh hiệu, hay chức danh là đủ! Và biết đâu, thị trường “buôn bán phần ảo” sẽ thêm phần quyết liệt và sôi động, góp phần làm tăng trưởng kinh tế?! Đó là chưa kể đến sự vận hành của ảo mới lạ làm sao?! Này nhé, tuy ảo của ảo chỉ mang đến một số thực âm, nhưng mà âm của âm lại mang đến một số thực dương, vậy hóa ra ảo của ảo của ảo của ảo-bốn vòng ảo, cho người ta một giá trị thực dương. Thật lãi to! Lợi ích của tính lương bằng số phức thật to lớn và toàn diện! Đương nhiên cái tinh thần dân tộc “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, giờ càng được thể hiện mạnh mẽ thêm ra hơn bao giờ hết! Và cái nét văn hóa “đậm đà bản sắc dân tộc” kia, càng thêm được củng cố, quyết không để bị biến đổi trong thời đại hội nhập!
Tuy nhiên câu chuyện không phải đã vì thế mà kết thúc! Ông X với mức lương (hay trị giá tài sản) là a + bi,còn ông Y với lương (hay trị giá tài sản) là c + di, trong đó a khác với c, hoặc b khác với d, thì xem ông nào lương (hay trị giá tài sản) cao hơn ông nào? Lại một bài toán nan giải, mang đậm tính dân tộc, giai cấp và thời đại! Không biết đến khi nào nó sẽ được giải quyết triệt để ??? Và không chừng, còn cần biết bao nhiêu đề tài, sáng kiến, thu hút nhân lực và tài lực nữa đây !?
(Sưu tầm từ bomondaisosphn.wordpress.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét